Hẹp ống sống ở cổ có thể gây áp lực lên tủy sống, dẫn đến bệnh lý về tủy cổ cột sống. Nếu phần lớn tình trạng chèn ép tủy sống nằm ở phía sau ống sống, tình trạng này có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật gọi là cắt bỏ cung sau đốt sống cổ.
Phẫu thuật cắt bỏ cung sau đốt sống cổ là gì?
Phẫu thuật này là một loại giải ép nhằm mục đích tạo thêm không gian trong ống sống bằng cách loại bỏ 2 cấu trúc xương ở phía sau cột sống:
• Mỏm gai (Spinous process) : một phần xương nhô ra nổi bật ở phía sau cổ
• Cung sau (Laminae): một cặp xương dẹt nhỏ kéo dài bên trái và bên phải của mỏm gai.
Việc loại bỏ các cấu trúc xương này sẽ tạo không gian cho tủy sống bằng cách mở rộng ống sống và cho phép tủy sống hồi phục. Phẫu thuật này có thể được thực hiện ở một hoặc nhiều tầng đốt sống cổ giữa C1 và C7.
Mục tiêu của phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ cung sau nhằm đạt được một hoặc nhiều mục tiêu sau:
• Cải thiện tình trạng đau và các khiếm khuyết về thần kinh (triệu chứng bệnh tủy sống) ở cổ, cánh tay, bàn tay và các chi dưới.
• Ngăn ngừa sự tiến triển của các triệu chứng bệnh liên quan đến chèn ép tủy sống
• Cải thiện các vấn đề về dáng đi, chẳng hạn như mất thăng bằng và giảm tốc độ khi đi bộ.
Phẫu thuật này bảo tồn phạm vi chuyển động tự nhiên của cổ.
Khi nào phẫu thuật cắt bỏ cung sau đốt sống cổ được Phẫu thuật viên khuyến nghị
- Là lựa chọn điều trị đầu tiên: đối với các triệu chứng bệnh lý tủy cổ từ trung bình đến nặng.
- Sau khi điều trị các phương pháp không phẫu thuật: đối với các triệu chứng bệnh lý tủy cổ nhẹ không khỏi và tiếp tục tiến triển
Trừ trường hợp cấp cứu y tế (chèn ép tủy sống nghiêm trọng), phẫu thuật này là phẫu thuật tự chọn, nghĩa là bệnh nhân quyết định có phẫu thuật hay không.
Các tình trạng được chỉ định điều trị
Vôi hóa dây chằng dọc sau (OPLL) là nguyên nhân thường gặp gây chèn ép tủy sống.
Các chỉ định phổ biến cho phẫu thuật cắt bỏ cung sau đốt sống cổ bao gồm:
- Hẹp ống sống cổ kèm theo bệnh lý tủy cổ
- Vôi hóa dây chằng dọc sau (OPLL) • U và ung thư tủy cổ
- Nhiễm trùng ngoài màng cứng
- Tụ máu ngoài màng cứng
Quy trình này có lợi trong điều trị các tổn thương đa tầng, trong đó cần giải ép nhiều hơn một tầng đốt sống là cần thiết.
Giải thích các bước về quy trình cắt bỏ cung sau đốt sống cổ
Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ cung sau và mỏm gai để giảm chèn ép lên tủy sống. Phẫu thuật cắt bỏ cung sau cột sống cổ là phẫu thuật mở. Quy trình này tương đối ngắn và bao gồm các bước sau:
Bước 1. Định vị và gây mê: Bệnh nhân nằm sấp trên bàn phẫu thuật và gây mê toàn thân.
Bước 2. Tiếp cận vùng giải ép: Rạch một đường dài từ 7,5 đến 10 cm ở đường giữa sau gáy. Các cơ cạnh cột sống được nâng lên – hoặc di chuyển sang một bên – để tạo không gian tiếp cận mấu gai và bản sống.
Bước 3. Loại bỏ mấu gai và bản sống:
– Sử dụng mũi khoan tốc độ cao (dụng cụ cắt xương – Midal – Medtronic) để tạo một rãnh ở bản sống ở cả hai bên ngay trước khi giao với mấu khớp bên.
– Các bản sống có mấu gai được loại bỏ thành một khối (giống như đuôi tôm hùm). Việc loại bỏ mấu gai và bản sống cho phép tủy sống trôi ngược về phía sau và tạo thêm không gian.
Bước 4. Đóng vết mổ: Sau khi phẫu thuật hoàn tất, các cơ được đưa lại gần nhau hơn và vết mổ được khâu lại.
Ngừng gây mê và bệnh nhân được chuyển đến phòng hồi sức, nơi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân được theo dõi trong khoảng 4 đến 5 giờ.
Những cân nhắc khi xuất viện
Hầu hết bệnh nhân có thể về nhà trong ngày hoặc ngày hôm sau sau phẫu thuật. Bệnh nhân có thể phải nằm viện lâu hơn nếu:
• Có tiền sử rối loạn đông máu
• Khó thở sau phẫu thuật
• Đã phẫu thuật cột sống cổ trước đó ở cùng một đoạn
• Đã giải ép nhiều tầng
Bác sĩ sẽ xem xét danh sách đầy đủ các hạn chế hoạt động và phác đồ phục hồi chức năng với bệnh nhân trước khi xuất viện.
Những điều cần lưu ý sau phẫu thuật cắt bỏ cung sau cột sống cổ
Kết quả của phẫu thuật cắt bỏ cung sau rất khác nhau và phụ thuộc vào mức độ chèn ép tủy sống, thời gian xuất hiện các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh tủy. Các nghiên cứu cho thấy 42% đến 92% bệnh nhân có kết quả khả quan sau phẫu thuật.
Rủi ro và biến chứng
Cũng như bất kỳ thủ thuật phẫu thuật nào, phẫu thuật cắt bỏ cung sau cột sống cổ cũng có nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng, nhưng tỷ lệ này rất hiếm. Các rủi ro cụ thể liên quan đến thủ thuật này là:• Suy giảm thần kinh sau phẫu thuật: chức năng tủy sống xấu đi do chấn thương hoặc thao tác trên tủy sống trong quá trình phẫu thuật.
- Hội chứng White cord syndrome (WCS): chức năng tủy sống xấu đi do máu đột ngột tái tưới vào các tế bào bị tổn thương hoặc chèn ép nghiêm trọng.
- Biến dạng gù sau cắt bỏ cung sống: độ cong bất thường về phía trước của cột sống cổ. Nguy cơ này cao hơn ở các ca cắt bỏ bản sống nhiều tầng.
- Suy giảm chức năng thần kinh muộn: chức năng tủy sống xấu đi theo thời gian do phát triển biến dạng gù hoặc hình thành mô sẹo.
- Cột sống không ổn định: mất hỗ trợ phía sau của cột sống có thể gây ra sự phân bổ tải không đều và mất ổn định ở các đoạn được điều trị.Các rủi ro phẫu thuật chung khác bao gồm rách màng cứng, nhiễm trùng, chảy máu và tăng đau.
Để giúp kiểm soát nguy cơ suy giảm thần kinh do chấn thương phẫu thuật, chức năng tủy sống thường được theo dõi trong quá trình phẫu thuật bằng điện thế kích thích cảm giác thân thể (SSEP). SSEP tạo ra một xung điện nhỏ ở cánh tay và chân, đo phản ứng tương ứng trong não và ghi lại thời gian tín hiệu đến não. Bất kỳ sự chậm lại đáng kể nào về thời gian có thể chỉ ra sự tổn thương của tủy sống.
Phẫu thuật cắt bỏ cung sau đốt sống cổ kết hợp cố định
Cắt bỏ cung sau đốt sống cổ đôi khi được kết hợp với phẫu thuật cố định. Quy trình cố định được thực hiện để tránh các biến chứng tiềm ẩn của tình trạng mất ổn định và biến dạng cột sống (gù) liên quan đến phẫu thuật cắt bỏ cung sau đốt sống cổ đơn thuần. Cố định được thực hiện bằng cách đặt các thanh và vít vào đoạn cột sống được điều trị.
Phẫu thuật cắt bỏ cung sau đốt sống kết hợp cố định được khuyến nghị khi có một hoặc nhiều yếu tố sau đây:
• Đau cổ theo trục (tại chỗ) đáng kể
• Giảm độ cong sinh lý (đường cong ngược tự nhiên của cột sống) hoặc làm thẳng cột sống cổ
• Mất ổn định cột sống ở cổ
Quy trình kết hợp này làm giảm khả năng vận động của cổ sau phẫu thuật và có liên quan đến các rủi ro bổ sung, chẳng hạn như thoái hóa đốt sống kế cận, tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh và các biến chứng liên quan đến dụng cụ.
Phẫu thuật tạo hình cung sau đốt sống cổ
Một số Phẫu thuật viên thần kinh khuyến nghị một quy trình gọi là phẫu thuật tạo hình bản sống– trong đó, một bên được nâng lên và bên kia được tạo bản lề. Bản sống được giữ ở vị trí bản lề này bằng một tấm kim loại và ốc vít.
Ưu điểm của kỹ thuật này là nó làm tăng kích thước của ống nhưng vẫn giữ được phần xương hỗ trợ phía sau, giúp giữ cho cột sống ổn định. Nó cũng bảo tồn khả năng vận động của cột sống ở cổ.
Nhược điểm tiềm ẩn là ống sống không được hình dung rõ và khó đánh giá được ống sống đã đủ khả năng giải nén đầy đủ hay chưa.
Việc lựa chọn giữa cắt bỏ cung sau, cắt bỏ cung sau kết hợp cố định và phẫu thuật tạo hình bản sống đòi hỏi phải có quyết định hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ sau khi đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro và lợi ích tiềm ẩn của từng lựa chọn.
Tham khảo:
- Ryken TC, Heary RF, Matz PG, et al. Cervical laminectomy for the treatment of cervical degenerative myelopathy. J Neurosurg Spine. 2009;11(2):142-149. doi:3171/2009.1.SPINE08725
- McAllister BD, Rebholz BJ, Wang JC. Is posterior fusion necessary with laminectomy in the cervical spine?. Surg Neurol Int. 2012;3(Suppl 3):S225-S231. doi:4103/2152-7806.98581