Phẫu thuật giải ép rễ thần kinh cột sống là nhằm mục đích giảm áp lực và giảm tình trạng viêm xung quanh rễ thần kinh. Ngược lại, nếu sau phẫu thuật vẫn không làm giảm áp lực xung quanh rễ thần kinh và/hoặc được thực hiện sai tầng cột sống và/hoặc làm tổn thương rễ thần kinh, điều đó dẫn tới các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn, và ca phẫu thuật được đánh giá là thất bại.
Mục lục:
Hội chứng thất bại sau Phẫu thuật cột sống (FBSS) – Phần 1/5
Hội chứng thất bại sau Phẫu thuật cột sống (FBSS) – Phần 2/5
Hội chứng thất bại sau Phẫu thuật cột sống (FBSS) – Phần 3/5
Hội chứng thất bại sau Phẫu thuật cột sống (FBSS) – Phần 4/5
Các lựa chọn điều trị Hội chứng đau sau phẫu thuật cột sống (FBSS) – Phần 5/5
Phẫu thuật giải ép rễ thần kinh thắt thường có tỷ lệ thành công cao, với hơn 75% bệnh nhân nhận được kết quả khả quan và giải quyết được các triệu chứng so với trước phẫu thuật.
- Nhìn chung, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy tốt hơn ngay sau khi phẫu thuật và trở lại bình thường trong vòng 3 tháng sau phẫu thuật, đông thời tiếp tục tiến triển tốt theo thời gian.
- Nếu không có bất kỳ cải thiện nào về mức độ đau trong khoảng 3 tháng sau khi phẫu thuật, điều này có thể coi là kết quả phẫu thuật không thành công và có thể thảo luận các phương pháp điều trị bổ sung với bác sĩ.
Các ca phẫu thuật giải ép rễ thần kinh phổ biến bao gồm thay đĩa đệm, loại bỏ phần đĩa đệm thoát vị (di trú hoặc không di trú) và mở rộng ống sống ( bằng cách loại phần dây chằng vàng vôi hóa hoặc cắt bỏ bản sống…).
Mục tiêu của giải ép rễ thần kinh thắt lưng là làm giảm đau lưng và các triệu chứng đau thần kinh tọa khác của bệnh nhân ngay sau khi phẫu thuật lưng.
Các lý do phổ biến dẫn tới thất bại bao gồm:
Bỏ sót mảnh đĩa đệm thoát vị gây chèn ép
Các mảnh đĩa đệm có thể di trú ra khỏi đĩa đệm thoát vị vào ống sống.
Khi đĩa đệm thoát vị, có 35% đến 72% khả năng một mảnh đĩa đệm thoát vị sẽ di chuyển ra khỏi đĩa đệm và vào ống tủy sống. Những mảnh này có thể được xác định trên hình ảnh cận lâm sàng, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ (MRI). Khi điều trị bằng phẫu thuật giải ép, các mảnh di trú cần được loại bỏ. Phẫu thuật viên có thể không xác định được mảnh di trú này trong quá trình phẫu thuật hoặc nó có thể bị bỏ sót trên các chuẩn đoán hình ảnh và vẫn nằm trong ống tủy sống. Trong những trường hợp như vậy, khối di trú có thể ảnh hưởng đến các rễ thần kinh gần đó và gây ra các triệu chứng trong tương lai.
Giải ép sai tầng rễ thần kinh bị chèn ép
Xác định sai tầng cột sống có thể khiến tình trạng đau nặng hơn.
Phẫu thuật giải ép được thực hiện sai tầng có thể khiến bệnh nhân phải chịu các triệu chứng dai dẳng hoặc các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn so với giai đoạn trước phẫu thuật. Những đặc thù giải phẫu bất thường ở một số bệnh nhân và việc không tuân thủ đúng các quy trình xác minh của phẫu thuật viên là những nguyên nhân điển hình dẫn đến phẫu thuật sai tầng cột sống.
Nghiên cứu chỉ ra rằng cứ 10.000 ca phẫu thuật thì có khoảng 4 đến 12 ca phẫu thuật giải ép thắt lưng được thực hiện ở sai tầng cột sống.
Chẩn đoán không chính xác
Các triệu chứng của bệnh nhân phải khớp với kết quả cận lâm sàng.
Không hiếm khi phẫu thuật giải ép, chẳng hạn như cắt bỏ bản sống, được thực hiện trên đĩa đệm thoát vị được cho là nguyên nhân gây đau — nhưng thực tế điều này không góp phần gây ra các triệu chứng của bệnh nhân.
Phẫu thuật giải ép được lên kế hoạch dựa trên kết quả chuẩn đoán hình ảnh cho thấy thoát vị đĩa đệm, nếu các triệu chứng và cơn đau của bệnh nhân không tương quan với kết quả chuẩn đoán hình ảnh thì không nên phẫu thuật.
Tiến triển của quá trình thoái hóa
Sự thoái hóa của các thành phần cấu trúc cột sống có thể tiếp tục sau phẫu thuật, dẫn đến triệu chứng đau lâu dài.
Phẫu thuật giải ép nhằm mục đích loại bỏ thành phần giải phẫu gây kích ứng hoặc chèn ép lên rễ thần kinh ở cột sống. Hầu hết các thành phần giải phẫu này phát sinh do những thay đổi trong quá trình thoái hóa, chẳng hạn như hẹp ống sống, gai xương, hẹp lỗ liên hợp hoặc đĩa đệm thoát vị.
Phẫu thuật loại bỏ được các thành phần cụ thể gây cản trở dẫn truyền của rễ thần kinh nhưng không giải quyết được quá trình thoái hóa. Vì lý do này, ở một số trường hợp, có thể do tình trạng thoái hóa vẫn tiến triển theo thời gian là nguyên nhân dẫn tới các triệu chứng tái phát.
Mặc dù các triệu chứng tái phát này không phải do phẫu thuật không thành công, nhưng bác sĩ cần đưa ra các lời khuyên cho bệnh nhân về những thay đổi tiềm ẩn này, để có sự chuẩn bị tốt hơn và hạn chế ảnh hưởng đến kết quả lâu dài.
Ngoài ra, tổn thương thần kinh, tích tụ máu hoặc dịch tại vị trí phẫu thuật và nhiễm trùng vết thương…cũng có thể gây ra các biến chứng sau phẫu thuật. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương thần kinh, các triệu chứng có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Hiểu biết về Đau sẽ giúp bạn chấm dứt cơn đau.