Chụp cộng hưởng từ (MRI) được sử dụng khi cần hình ảnh có độ phân giải cao về cấu trúc các mô của cơ thể để chẩn đoán và điều trị. Đối với đau lưng hoặc đau cổ, chụp MRI là công cụ chẩn đoán ưu tiên để xem xét các vấn đề cấu trúc cơ xương có hoặc không có thiếu hụt thần kinh khi hình ảnh trước đó gợi ý bệnh lý cột sống. Tuy nhiên, sự hiện diện của một số dụng cụ cấy ghép hoặc bộ phận giả có thể gây trở ngại cho quá trình chụp MRI.
Mục lục:
Chỉ định và chống chỉ định chụp MRI.
Chỉ định cho chụp MRI cột sống
Chụp MRI có thể được sử dụng để chẩn đoán, xem xét thêm và/hoặc lập kế hoạch điều trị đau cột sống đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chí sau:
- Cấp cứu: Một trường hợp cấp cứu được xác nhận hoặc nghi ngờ, chẳng hạn như chèn ép tủy sống, cần can thiệp phẫu thuật ngay lập tức.
- Tiến triển nhiễm trùng hoặc khối u: Đau lưng hoặc đau cổ đi kèm với các triệu chứng toàn thân (chẳng hạn như chán ăn, giảm cân, sốt, ớn lạnh, run rẩy hoặc đau ban đêm) có thể cho thấy sự hiện diện của khối u hoặc nhiễm trùng.
- Bệnh lý rễ thần kinh: Đau lưng hoặc đau cổ do nghi ngờ chèn ép rễ thần kinh cột sống (bệnh lý rễ thần kinh) do các tình trạng như hẹp ống sống hoặc thoát vị đĩa đệm.
- Các triệu chứng tái phát hoặc mãn tính: Có sự giảm đau không hoàn toàn sau một loạt các phương pháp điều trị hàng đầu, chẳng hạn như thuốc giảm đau và vật lý trị liệu, đã được thử trong vài tuần—và nguyên nhân gây đau cần được điều tra thêm.
- Các triệu chứng nặng dần: Cơn đau và các triệu chứng liên quan như tê và yếu đã xấu đi dần dần mặc dù đã điều trị nội khoa giảm đau.
- Tình trạng mãn tính của gãy xương: MRI không phải là công cụ chẩn đoán tốt nhất để kiểm tra các vấn đề về xương, chẳng hạn như gãy đốt sống. Tuy nhiên, chụp MRI có thể phát hiện sưng tấy trong mô tủy xương mềm bên trong xương, cung cấp thông tin chi tiết về việc gãy xương là cấp tính, mãn tính, lành tính hay ác tính.
Chụp MRI cũng có thể được sử dụng để xem quá trình chữa lành mô sau phẫu thuật.
Chống chỉ định cho chụp MRI cột sống
Sự hiện diện của bất kỳ vật liệu sắt từ nào trong cơ thể là một chống chỉ định chính cho chụp MRI. Những vật liệu này (thảo luận dưới đây) bị nam châm hút mạnh và có thể bị lệch hoặc nóng, gây ra rủi ro sức khỏe nghiêm trọng cho bệnh nhân. Trước khi chụp MRI, tất cả các vật dụng kim loại bên ngoài phải được tháo ra. Các vật dụng đó có thể bao gồm máy trợ thính bên ngoài, đồ trang sức, đồng hồ và quần áo có khóa kéo, chỉ kim loại hoặc nút và dây buộc kim loại.
Do tính chất kim loại và tính chất từ tính của chúng, chụp MRI cột sống có thể không được thực hiện khi một hoặc nhiều thiết bị sau đây được cấy ghép trong cơ thể:
- Máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim cấy ghép (ICD), đặc biệt là các mẫu cũ hơn, có thể bị ảnh hưởng bởi nam châm của máy quét MRI, khiến các thiết bị di chuyển, nóng lên hoặc ngừng hoạt động. Tín hiệu điện từ và tần số vô tuyến cũng có thể khiến các thiết bị cũ hơn khử rung tim không phù hợp hoặc thay đổi nhịp tim.
- Máy kích thích tủy sống (SCS) được cấy dưới da có thể bị lệch hoặc hư hỏng do nam châm của máy MRI.
- Cấy ghép ốc tai hỗ trợ những người khiếm thính hoặc điếc có thể bị hư hỏng hoặc dịch chuyển trong quá trình chụp MRI. Thiết bị cấy ghép bị hư hỏng hoặc dịch chuyển có thể dẫn đến khó chịu, đau hoặc hư thiết bị. Thiết bị cấy ghép cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng quét.
- Vật liệu nha khoa chẳng hạn như niềng răng, dụng cụ duy trì, dụng cụ cố định, trám kim loại hoặc cấy ghép có thể bị nóng lên hoặc dịch chuyển trong quá trình chụp MRI. Thiết bị cấy ghép và mão răng nha khoa cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh.
- Kẹp hoặc cuộn dây phình mạch có thể bị lệch khỏi mạch máu và gây chảy máu đáng kể.
- Mảnh đạn hoặc dăm kim loại trong cơ thể có thể di chuyển hoặc nóng lên trong quá trình chụp MRI, gây đau, chảy máu và gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn.
Mặc dù hầu hết các thiết bị cấy ghép này được coi là không an toàn cho chụp cộng hưởng từ, tuy nhiên một số có thể an toàn khi sử dụng máy quét cộng hưởng từ có cường độ từ trường yếu hơn.
Điều quan trọng là phải thảo luận về những rủi ro do thiết bị cấy ghép gây ra với bác sĩ điều trị hoặc kỹ thuật viên MRI. Cũng nên mang thông tin về nhãn hiệu và kiểu máy cụ thể của bất kỳ thiết bị cấy ghép nào đến cuộc hẹn để có thể xác định bất kỳ rủi ro nào đối với sự an toàn của bệnh nhân. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về sự an toàn của MRI, các kỹ thuật hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp CT, có thể được sử dụng.
Chống chỉ định chụp MRI cột sống có thuốc cản quang
Thuốc cản quang MRI, gadolinium, có thể gây ra các biến chứng tiềm ẩn ở một số bệnh nhân có vấn đề về thận và/hoặc tim. Những chống chỉ định này bao gồm nhưng không giới hạn ở:
- Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo
- Bệnh nhân có tiền sử bệnh thận (ghép thận, thận đơn độc, ung thư thận)
- Bệnh nhân suy giảm chức năng thận có thể do bị xơ hóa hệ thống do thận (NSF), một căn bệnh nghiêm trọng gây ra bởi thuốc cản quang trong thận bị phân hủy không đúng cách
- Bệnh nhân bị tiểu đường hoặc tăng huyết áp đang được điều trị bằng thuốc
Trong một số trường hợp, có thể yêu cầu xét nghiệm máu để giúp phân tích chức năng thận và xác định xem thận có thể chuyển hóa và lọc gadolinium hay không nếu thuốc được tiêm vào cơ thể.
Dị ứng với gadolinium hoặc đã dùng một liều thuốc cản quang trong vòng 24 giờ qua cũng chống chỉ định khi sử dụng.
MRI của dụng cụ cố định cột sống
Những bệnh nhân đã phẫu thuật đặt các thiết bị kim loại vào cột sống, chẳng hạn như vít cuống sống hoặc lồng nhân tạo, có thể được chụp MRI dưới sự giám sát, nhưng độ phân giải của lần chụp thường bị nhiễu nghiêm trọng bởi thiết bị kim loại và chất lượng của nghiên cứu hình ảnh kém.
Nhìn chung, thiết bị cấy ghép bằng chất liệu thép không gỉ gây ra nghiêm trọng hơn bằng titan. Titan là vật liệu thuận từ thường không bị ảnh hưởng bởi từ trường của MRI.Vì lý do này, titan đã trở nên phổ biến trong dụng cụ cố định cột sống và thép không gỉ phần lớn không được ưa chuộng do không thể chụp MRI rõ nét sau phẫu thuật.
MRI trong thời kỳ mang thai và cho con bú
MRI tiêu chuẩn thường được coi là an toàn cho bệnh nhân mang thai mặc dù việc sử dụng nó bị hạn chế và tùy thuộc vào quyết định của bác sĩ. Tuy nhiên, MRI có cản quang không được sử dụng cho bệnh nhân mang thai nhưng có thể sử dụng thận trọng cho các bà mẹ đang cho con bú.
FDA xác định chất cản quang MRI, gadolinium, là chất loại C, có nghĩa là không có bằng chứng xác thực nào về tính an toàn của chất này trong thai kỳ. Một phần rất nhỏ chất này được bài tiết qua sữa mẹ và được trẻ sơ sinh hấp thụ. Các bà mẹ đang cho con bú được khuyên nên hút và bảo quản sữa mẹ trước khi chụp MRI có cản quang và có thể tiếp tục cho con bú sau 24 đến 48 giờ sau khi chụp.
MRI thường an toàn và tạo ra các hình ảnh quét có độ phân giải cao để chẩn đoán và điều trị các tình trạng cột sống. Khi được sử dụng cho những bệnh nhân phù hợp, công cụ chẩn đoán này có thể giúp hiểu các bệnh lý tiềm ẩn và lập kế hoạch điều trị hiệu quả hơn.