Chỉ định phẫu thuật đối với điều trị đau thần kinh tọa thường được cân nhắc khi đau và/hoặc yếu chân dai dẳng hoặc tiến triển ngay cả sau khi đã thử nhiều phương pháp điều trị không phẫu thuật. Trong một số ít trường hợp, phẫu thuật có thể được cân nhắc là lựa chọn đầu tiên.
Mục lục:
Những điều bạn cần biết về Đau thần kinh tọa
Các triệu chứng của Đau thần kinh tọa
Nguyên nhân gây Đau thần kinh tọa
Chẩn đoán nguyên nhân gây Đau thần kinh tọa
Chỉ định phẫu thuật trong điều trị Đau thần kinh tọa
Cân nhắc phẫu thuật đối với Đau thần kinh tọa: khi phẫu thuật trở thành lựa chọn hàng đầu.
Một vài ví dụ khi phẫu thuật được cân nhắc là lựa chọn đầu tiên bao gồm:
- Hội chứng đuôi ngựa—một tình trạng cấp cứu y tế trong đó các rễ thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép dẫn đến chức năng vận động và cảm giác ở phần dưới cơ thể bị mất.
- Các khối u, tích tụ dịch (u nang hoặc áp xe) hoặc chấn thương nghiêm trọng ở cột sống thắt lưng
- Đau thần kinh tọa hai bên—đau thần kinh tọa ảnh hưởng đến cả hai chân, có thể do thoát vị đĩa đệm nhiều tầng, thoát vị đĩa đệm một tầng nghiêm trọng hoặc hẹp ống sống trung tâm.
- Nhiễm trùng ở vùng chậu không đáp ứng với thuốc.
Ngoài ra, phẫu thuật có thể được cân nhắc khi đau và/hoặc yếu chân kéo dài hơn 6 đến 8 tuần mặc dù đã điều trị không phẫu thuật và/hoặc khi cơn đau ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
Phẫu thuật được thực hiện với mục tiêu loại bỏ nguyên nhân gây ra đau thần kinh tọa và kiểm soát các triệu chứng ở chân như đau và yếu. Tuy nhiên, đau lưng liên quan đến đau thần kinh tọa có thể không cải thiện sau phẫu thuật.
Phẫu thuật vi phẫu cắt bỏ đĩa đệm đối với đau thần kinh tọa
Phẫu thuật vi phẫu nhằm cắt bỏ đĩa đệm là một phương pháp phẫu thuật phổ biến được sử dụng để điều trị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm thắt lưng gây ra. Trong phẫu thuật này, một phần nhỏ vật liệu đĩa đệm được loại bỏ. Mặc dù về mặt kỹ thuật là một phẫu thuật mở, cắt bỏ đĩa đệm sử dụng các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu và có thể được thực hiện với một vết mổ tương đối nhỏ và tổn thương mô tối thiểu.
Nghiên cứu cho thấy có đến 86% bệnh nhân có thể giảm đau thần kinh tọa sau phẫu thuật vi phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm.
Phẫu thuật giải ép cột sống thắt lưng
Một số phương pháp phẫu thuật có sẵn để giảm áp lực hoặc kích ứng rễ thần kinh từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như:
- Cắt cung sau đốt sống (Laminectomy). Trong thủ thuật này, một phần hoặc toàn bộ cung sau đốt sống được loại bỏ để tạo thêm không gian cho các rễ thần kinh cột sống. Nó thường được thực hiện nhất đối với cơn đau thần kinh tọa do hẹp ống sống thắt lưng gây ra. Ước tính có khoảng 75% đến 90% bệnh nhân có thể giảm đau sau phẫu thuật cắt cung sau đốt sống thắt lưng.
- Mở rộng lỗ liên đốt sống (Foraminotomy). Trong thủ thuật này, lỗ liên đốt sống được mở rộng bằng cách loại bỏ sự phát triển quá mức của xương, tạo thêm không gian cho rễ thần kinh khi nó đi ra khỏi cột sống qua lỗ này.
- Cắt bỏ diện khớp (Facetectomy). Thủ thuật phẫu thuật này được sử dụng để giảm áp lực lên các dây thần kinh bị chèn ép do thoái hóa khớp liên mấu. Các diện khớp thường được cắt tỉa, khoét dưới hoặc loại bỏ để giảm áp lực lên dây thần kinh. Ước tính có khoảng 85% bệnh nhân có thể giảm đau sau phẫu thuật cắt bỏ diện khớp.
Trong một số trường hợp, các thủ thuật này có thể được kết hợp và thực hiện cùng một lúc. Ví dụ, thủ thuật cắt cung sau đốt sống có thể được thực hiện cùng với mở rộng lỗ liên đốt sống, và phẫu thuật này được gọi là cắt cung sau và mở rộng lỗ liên đốt sống (laminoforaminotomy). Các thủ thuật bổ sung có thể được thực hiện kết hợp với những thủ thuật trên, bao gồm loại bỏ gai xương (sự phát triển xương bất thường) và/hoặc dây chằng phì đại (dây chằng phát triển quá mức).
Các rủi ro không mong muốn sau Phẫu thuật điều trị Đau thần kinh tọa
Tổn thương đến các dây thần kinh cột sống hoặc tủy sống là một rủi ro tiềm ẩn của phẫu thuật đau thần kinh tọa. Giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, một số rủi ro có thể xảy ra, bao gồm nhưng không giới hạn ở nguy cơ tổn thương dây thần kinh hoặc tủy sống, chảy máu, nhiễm trùng, hình thành cục máu đông và các triệu chứng tiếp tục sau phẫu thuật.
Kết quả dài hạn sau phẫu thuật điều trị Đau thần kinh tọa
Nghiên cứu cho thấy phẫu thuật đau thần kinh tọa có thể giúp giảm đau và cải thiện kết quả chức năng tốt hơn trong vòng 1 năm so với các phương pháp điều trị không phẫu thuật. Tuy nhiên, về lâu dài (4 đến 10 năm), kết quả của cả hai phương pháp thường tương tự nhau.
Quyết định phẫu thuật đau thần kinh tọa thường là lựa chọn của bệnh nhân trừ khi trong tình trạng cấp cứu y tế, chẳng hạn như hội chứng chùm đuôi ngựa. Quyết định phẫu thuật của bệnh nhân chủ yếu dựa trên mức độ đau và rối loạn chức năng, thời gian kéo dài cơn đau, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, cũng như sở thích cá nhân của bệnh nhân.