Đau thần kinh tọa là thuật ngữ được sử dụng để mô tả cơn đau rễ thần kinh ở vùng mông đùi và lan xuống bàn chân do rễ thần kinh tọa bị kích ứng và/hoặc chèn ép gây ra. Đau thần kinh tọa bắt nguồn từ vùng thắt lưng, lan sâu vào mông và đi xuống chân. Cơn đau có thể kèm theo tê và/hoặc yếu, liệt chi.
Mục lục:
Những điều bạn cần biết về Đau thần kinh tọa
Các triệu chứng của Đau thần kinh tọa
Nguyên nhân gây Đau thần kinh tọa
Chẩn đoán nguyên nhân gây Đau thần kinh tọa
Chỉ định phẫu thuật trong điều trị Đau thần kinh tọa
Các triệu chứng thường gặp của Đau thần kinh tọa
Các triệu chứng của đau thần kinh tọa thường được cảm nhận dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa lớn. Đau thần kinh tọa thường được đặc trưng bởi một hoặc nhiều đặc điểm sau:
- Đau: cơn đau thường được cảm nhận bao gồm cảm giác nóng rát liên tục hoặc/và những cơn đau nhói bắt đầu từ vùng thắt lưng, mông và lan xuống phía trước hoặc phía sau đùi và cẳng chân và/hoặc bàn chân.
- Tê: cảm giác tê buốt ở phía sau chân. Đôi khi, nóng ran và/hoặc yếu chi cũng có thể xuất hiện.
- Triệu thường xuất hiện 1 bên: tình trạng này thường dẫn đến cảm giác nặng nề ở chân bị ảnh hưởng. Hiếm khi gặp trường hơpk cả hai chân bị ảnh hưởng cùng nhau.
- Các triệu chứng do tư thế gây ra: Các triệu chứng đau thần kinh tọa có thể cảm thấy tồi tệ hơn khi ngồi, cố gắng đứng dậy, gập cột sống về phía trước, xoay cột sống, nằm xuống và/hoặc khi ho. Các triệu chứng có thể được giảm bớt bằng cách đi bộ nhẹ hoặc chườm nóng lên vùng xương chậu sau.
Điều quan trọng cần lưu ý là bất kỳ loại đau lưng dưới hoặc đau lan xuống chân nào cũng không phải là đau thần kinh tọa. Đau thần kinh tọa đặc trưng cho cơn đau bắt nguồn từ dây thần kinh tọa.
Nguyên nhân chính gây đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một tập hợp các triệu chứng gây ra bởi một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn; nó không phải là một chẩn đoán y tế.
Các tình trạng bệnh lý phổ biến có thể gây ra đau thần kinh tọa bao gồm1:
- Thoát vị đĩa đệm thắt lưng
- Hẹp ống sống thắt lưng
- Thoái hóa đĩa đệm thắt lưng, những thay đổi thoái hóa chung ở đốt sống hoặc đĩa đệm
- Trượt đốt sống
- Co thắt cơ và/hoặc viêm cơ thắt lưng và/hoặc viêm cơ vùng chậu
- Rối loạn chức năng khớp cùng chậu
Hiếm khi, khối u, cục máu đông hoặc các tình trạng khác ở cột sống dưới có thể gây ra đau thần kinh tọa.
Ngoài các thuật ngữ xác định bệnh lý tiềm ẩn gây ra đau thần kinh tọa, các thuật ngữ bệnh lý rễ thần kinh thắt lưng hoặc đau rễ thần kinh có thể được sử dụng thay thế cho thuật ngữ đau thần kinh tọa.
Dây thần kinh tọa và Đau thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh đơn lớn nhất trong cơ thể, được hình thành bởi sự kết hợp của 5 rễ thần kinh ở cột sống thắt lưng và xương cùng. Có 2 dây thần kinh tọa trong cơ thể – dây thần kinh phải và trái, cung cấp cho chi dưới tương ứng. Một vài đặc điểm giải phẫu của dây thần kinh tọa bao gồm:
- Nguồn gốc. Bắt đầu từ mức đoạn cột sống L4, dây thần kinh tọa được hình thành bởi sự hợp nhất của các rễ thần kinh cột sống từ L4 đến S3. Các rễ dây thần kinh nổi lên hội tụ thành một dây thần kinh tọa duy nhất khiến nó lớn và cồng kềnh, thường có đường kính lên đến 2cm.
- Đường đi. Sau khi các đóng góp riêng lẻ của nó kết thúc, dây thần kinh tọa thoát ra khỏi xương chậu, bên dưới cơ hình lê. Dây thần kinh sau đó chạy dọc theo mặt sau của đùi, vào cẳng chân và cuối cùng kết thúc ở bàn chân.
- Các nhánh. Dây thần kinh tọa phân nhánh thành 2 nhánh chính phía sau đầu gối—dây thần kinh chày và dây thần kinh mác chung. Dây thần kinh chày chạy xuống và cung cấp cho mặt sau của cẳng chân và lòng bàn chân. Dây thần kinh mác chung cung cấp cho mặt trước của cẳng chân và bàn chân.
Hiếm khi, dây thần kinh tọa có thể tách thành 2 dây thần kinh từ khung chậu, sau đó hợp nhất lại thành một dây thần kinh duy nhất.
Các triệu chứng đau thần kinh tọa cụ thể phần lớn phụ thuộc vào rễ dây thần kinh bị chèn ép. Ví dụ, sự chèn ép dây thần kinh L5 có thể gây đau ở mặt sau của đùi và yếu khi nâng ngón chân cái và mắt cá chân.
Diễn tiến của Đau thần kinh tọa
Thông thường, một sự kiện hoặc chấn thương cụ thể không gây ra đau thần kinh tọa—thay vào đó nó có xu hướng phát triển theo thời gian. Đau thần kinh tọa ảnh hưởng đến 10% đến 40% dân số, thường là khoảng 40 tuổi.
Đau thần kinh tọa được tìm thấy phổ biến ở một số loại nghề nghiệp sử dụng các tư thế thể chất vất vả, chẳng hạn như người vận hành máy hoặc tài xế xe tải. Đặc biệt, những người thường xuyên gập cột sống về phía trước hoặc sang ngang hoặc nâng cánh tay trên vai thường xuyên có thể có nguy cơ mắc bệnh đau thần kinh tọa.
Đau thần kinh tọa mất bao lâu để lành?
Phần lớn những người bị đau thần kinh tọa thường cải thiện trong vòng 4 đến 6 tuần với các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa không phẫu thuật. Nếu có dâu hiệu thiếu hụt dẫn truyền thần kinh nghiêm trọng, quá trình phục hồi có thể mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, ước tính 33% số người có thể có các triệu chứng dai dẳng đến 1 năm.
Khi có chèn ép dây thần kinh nghiêm trọng với các triệu chứng tiến triển, phẫu thuật có thể được chỉ định.
Khi nào Đau thần kinh tọa trở nên nghiêm trọng
Một số triệu chứng đau thần kinh tọa có thể cho thấy một tình trạng y tế nghiêm trọng, chẳng hạn như hội chứng chùm đuôi ngựa, nhiễm trùng hoặc khối u cột sống. Những triệu chứng này có thể bao gồm, nhưng không giới hạn ở:
- Các triệu chứng thần kinh tiến triển, chẳng hạn như yếu chân
- Các triệu chứng ở cả hai chân
- Rối loạn chức năng ruột và/hoặc bàng quang
- Rối loạn chức năng sinh dục
Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu các triệu chứng như vậy phát triển. Đau thần kinh tọa xảy ra sau tai nạn hoặc chấn thương, hoặc nếu nó phát triển đồng thời với các triệu chứng khác như sốt hoặc chán ăn, cũng là nguyên nhân cần đánh giá y tế kịp thời.