Nguyên nhân gây Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là triệu chứng của một tình trạng y tế tiềm ẩn. Hiểu rõ các nguyên nhân có thể gây ra đau thần kinh tọa giúp tập trung điều trị vấn đề gốc rễ thay vì chỉ điều trị giảm các triệu chứng. Cơ chế tổn thương dây thần kinh tọa là do chèn ép trực tiếp dây thần kinh, viêm, phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch, hoặc sự kết hợp của tất cả các yếu tố này.

Mục lục:

Những điều bạn cần biết về Đau thần kinh tọa

Các triệu chứng của Đau thần kinh tọa

Nguyên nhân gây Đau thần kinh tọa

Chẩn đoán nguyên nhân gây Đau thần kinh tọa

Điều trị Đau thần kinh tọa

Chỉ định phẫu thuật trong điều trị Đau thần kinh tọa

 

 

 

Các nguyên nhân phổ biến gây Đau thần kinh tọa

Các nguyên nhân phổ biến gây đau thần kinh tọa được thảo luận dưới đây.

 

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Nghiên cứu cho thấy có đến 90% trường hợp đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Đĩa đệm thoát vị thường chèn ép một hoặc nhiều rễ thần kinh cột sống (L4-S3) tạo thành dây thần kinh tọa.

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể gây đau thần kinh tọa theo hai cách:

  • Chèn ép trực tiếp. Chèn ép trực tiếp dây thần kinh tọa có thể xảy ra khi đĩa đệm thắt lưng phình ra  hoặc khi nhân đệm rò rỉ ra ngoài hoặc thoát vị qua lớp vỏ xơ bên ngoài và chèn ép vào dây thần kinh.
  • Viêm do hóa chất. Một chất kích thích hóa học có tính axit từ đĩa đệm (hyaluronan) có thể rò rỉ ra ngoài dẫn tới gây viêm và kích ứng ở khu vực xung quanh dây thần kinh tọa.

Thoát vị đĩa đệm có thể chèn ép dây thần kinh tọa ở một bên, gây ra các triệu chứng ở một chân, hoặc đĩa đệm có thể phình ra hoặc thoát vị từ cả hai bên, gây ra các triệu chứng ở cả hai chân (đau thần kinh tọa hai bên). Đau thần kinh tọa hai bên cũng có thể do hai đĩa đệm ở các đốt sống liền kề thoát vị ở cả hai bên, mặc dù khả năng này hiếm gặp.

 

Thoái hóa

Thoái hóa các mô ở cột sống thắt lưng có thể chèn ép hoặc kích ứng các rễ thần kinh tọa theo nhiều cách:

  • Thoái hóa khớp liên mấu khớp có thể làm cho mô bao hoạt dịch trong bao khớp bị viêm và phình lớn.
  • Thoái hóa thân đốt sống có thể gây ra sự phát triển bất thường của xương (gai xương). Các mô phì đại bất thường này ở cột sống thắt lưng có thể gây chèn ép một hoặc nhiều rễ thần kinh của dây thần kinh tọa.
  • Các đĩa đệm gian đốt sống bị thoái hóa có thể tiết ra các protein gây viêm, gây viêm dây thần kinh tọa.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, các rễ thần kinh có thể gây ra các triệu chứng khác nhau ở vùng thắt lưng và chân.

 

Hẹp ống sống thắt lưng

Hẹp ống sống thắt lưng là tình trạng hẹp ống sống và tương đối phổ biến ở người lớn trên 60 tuổi. Nghiên cứu cho thấy hẹp lỗ liên hợp là nguyên nhân phổ biến gây đau thần kinh tọa ở người lớn tuổi.

 

Trượt đốt sống

Trượt đốt sống xảy ra khi một thân đốt sống trượt ra trước so với đốt sống khác. Ví dụ, đốt sống L5 có thể trượt ra trước so với đốt sống S1. Đau thần kinh tọa có thể là kết quả của sự chèn ép dây thần kinh sau khi đĩa đệm xẹp xuống, gãy xương và thân đốt sống trượt ra trước. Trượt đốt sống có thể gây đau thần kinh tọa hai bên và phổ biến hơn ở người trẻ tuổi. Các tình trạng này có thể tiến triển theo thời gian hoặc tự phát do chấn thương hoặc tổn thương do căng thẳng thể chất. Tai nạn xe cơ giới, chấn thương thể thao hoặc té ngã có thể gây tổn thương trực tiếp đến dây thần kinh tọa. Các tình trạng như trượt đốt sống và thoát vị đĩa đệm có thể phát triển từ các tổn thương do căng thẳng thể chất, chẳng hạn như cử tạ.

 

 

Các tình trạng ở lưng dưới gây ra các triệu chứng tương tự Đau thần kinh tọa

Một số tình trạng ở lưng dưới có thể gây ra các triệu chứng tương tự như đau thần kinh tọa. Một vài ví dụ được thảo luận dưới đây.

 

Hội chứng cơ hình lê

Hội chứng cơ hình lê là do sự co thắt của cơ hình lê. Các triệu chứng đau thần kinh tọa có thể xảy ra khi cơ bị viêm kích thích hoặc chèn ép dây thần kinh tọa tại vị trí xuất phát của nó. Hội chứng cơ hình lê phổ biến hơn khi dây thần kinh tọa bị tách đôi, đây là một biến thể bình thường gần cơ hình lê, hoặc trong các biến thể giải phẫu bình thường của chính cơ hình lê. Hội chứng cơ hình lê cũng phổ biến trong các chấn thương do lạm dụng, đặc biệt ở vận động viên chạy và các vận động viên khác.

 

Rối loạn chức năng khớp cùng chậu

Sự kích thích của khớp cùng chậu—nằm ở đáy cột sống—cũng có thể kích thích dây thần kinh L5, nằm trên khớp cùng chậu, gây ra cơn đau kiểu đau thần kinh tọa. Trong những trường hợp này, không phải là bệnh rễ thần kinh thực sự hoặc đau dây thần kinh lan tỏa. Tuy nhiên, cơn đau chân xuất hiện thường có triệu chứng như đau thần kinh tọa.

 

Các nguyên nhân ít phổ biến gay Đau thần kinh tọa

Hiếm khi, đau thần kinh tọa có thể phát triển do khối u, nhiễm trùng, hình thành mô sẹo, tích tụ dịch, bệnh Pott (lao cột sống) hoặc gãy xương ở cột sống thắt lưng. Mặc dù hiếm gặp, đau thần kinh tọa cũng có thể phát triển như một biến chứng của các phương pháp tiêm bắp không đúng cách ở mông hoặc sau phẫu thuật thay khớp háng. Khoảng 1% phụ nữ mang thai có thể bị đau thần kinh tọa vào một thời điểm nào đó trong thai kỳ.

 

 

Các yếu tố nguy cơ gây Đau thần kinh tọa

Sự hiện diện của một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng phát triển đau thần kinh tọa. Một vài ví dụ bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm
  • Chiều cao vượt trội ở các nhóm tuổi lớn hơn (50 đến 60 tuổi)
  • Béo phì và thừa cân
  • Tính nhạy cảm di truyền
  • Thiếu vitamin B12
  • Suy nhược thể chất do lối sống ít vận động, thụ động
  • Một số loại nghề nghiệp (chẳng hạn như lái xe tải, thợ mộc hoặc người vận hành máy)
  • Tư thế làm việc không đúng

Sự hiện diện của riêng các yếu tố nguy cơ này không xác định được nguyên nhân gây ra sự phát triển của đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, các yếu tố này kết hợp với tuổi và sức khỏe tổng quát của một người có thể đóng một vai trò trong việc gây ra đau thần kinh tọa.

 

Anh Chị nên đi khám bác sĩ nếu có các triệu chứng đau thần kinh tọa. Đau thần kinh tọa thường cải thiện đáng kể nếu được điều trị sớm và có thể trở thành mãn tính hoặc nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị trong thời gian dài.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.