Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một xét nghiệm chuẩn đoán có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, tạo ra hình ảnh toàn diện về cấu trúc, chức năng và thành phần các mô trong cơ thể. Kỹ thuật này sử dụng một nam châm mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về cơ thể. Ở cột sống, chụp MRI có thể cung cấp chi tiết kỹ lưỡng về khớp, cơ, gân, dây chằng, đĩa đệm cột sống, rễ thần kinh cột sống và tủy sống. MRI tạo ra hình ảnh mà không sử dụng bức xạ ion hóa, khiến nó trở thành một lựa chọn an toàn hơn so với các kỹ thuật hình ảnh tiêu chuẩn, như chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-scan).
Mục lục:
Chỉ định và chống chỉ định chụp MRI
Khi Bạn được chỉ định chụp MRI cột sống
Đối với đau cổ hoặc đau lưng, MRI thường được khuyến nghị với bệnh nhân không giảm triệu chứng sau khi thử một loạt các phương pháp điều trị trong vài tuần. Nó đóng vai trò như một công cụ chẩn đoán để đánh giá sâu hơn nguồn gốc giải phẫu của cơn đau và xác định nguyên nhân chính xác hoặc xác định vị trí chính xác của chấn thương.
MRI có thể được khuyến nghị khẩn cấp khi nghi ngờ các tình trạng sau:
- Chèn ép tủy sống ở cổ do các tình trạng như hẹp ống sống cổ có bệnh lý tủy sống.
- Chèn ép tủy sống ở lưng dưới, dẫn đến các tình trạng như hội chứng chùm đuôi ngựa.
- U tủy sống nguyên phát hoặc thứ phát.
- Thoát vị đĩa đệm gây bệnh lý rễ thần kinh.
Trong những tình trạng này, MRI được coi là tiêu chuẩn vàng để chụp ảnh và điều tra nguyên nhân cơ bản của tình trạng cụ thể và xây dựng kế hoạch điều trị.
Lập kế hoạch trước phẫu thuật
Chụp MRI thường được sử dụng trong việc lập kế hoạch cho bất kỳ loại phẫu thuật cột sống cổ hoặc lưng nào (trừ khi một số tình trạng ngăn cản việc sử dụng), chẳng hạn như cắt bỏ đĩa đệm, thay thế đĩa đệm nhân tạo, cố định cột sống hoặc phẫu thuật khối u di căn cột sống.
- Mức độ chi tiết mà MRI cung cấp có thể giúp xác định mức độ tổn thương cột sống và phương pháp phẫu thuật.
- Khi một ca phẫu thuật lưng trước đó đã được thực hiện, chụp MRI có và không có thuốc cản quang có thể giúp phân biệt mô sẹo với khối máu tụ hoặc thoát vị đĩa đệm tái phát.
- Trước khi tiêm steroid ngoài màng cứng, nếu nghi ngờ có khối u hoặc nhiễm trùng, hình ảnh chụp MRI có thể giúp xác định xem việc tiêm có an toàn và phù hợp hay không, nhằm ngăn ngừa việc tiêm vào khối u hoặc khu vực nhiễm trùng.
Trong một số trường hợp nhất định, chụp MRI có thể giúp đánh giá quá trình chữa lành và phục hồi sau phẫu thuật.
Thông tin xét nghiệm chuẩn đoán MRI có thể cung cấp về Đau lưng hoặc Đau cổ
Thông tin chẩn đoán thu thập được từ chụp MRI có thể cung cấp sự thay đổi bất thường về giải phẫu và cấu trúc các mô cột sống, chẳng hạn như:
- Thoái hóa
- Khô đĩa đệm (mất nước)
- Viêm
- Sưng tấy
- Chèn ép
- Sự phì đại bất thường
Trên hình ảnh MRI cột sống, những thay đổi này rất hữu ích trong việc xác định các bệnh lý liên quan đến đĩa đệm cột sống, tấm sụn đầu trên và dưới của mỗi thân đốt sống, rễ thần kinh và tủy sống.
Những phát hiện từ khám thực thể và tiền sử bệnh của bệnh nhân kết hợp với thông tin thu thập được từ chụp MRI để đưa ra chẩn đoán lâm sàng chính xác.
Xét nghiệm chuẩn đoán MRI với thuốc cản quang
Đối với một số tình trạng bệnh lý nhất định, một chuỗi MRI bổ sung sử dụng thuốc cản quang có thể giúp xác định chính xác hơn giải phẫu và bệnh lý của khu vực cột sống đang được xem xét. Các chất cản quang này làm cho sự bất thường trong các mô sáng hơn và rõ ràng hơn—giúp bác sĩ xác định bệnh lý với độ chính xác cao hơn.
- MRI với thuốc cản quang thường được sử dụng để giúp phát hiện những bất thường trong mạch máu. Chất cản quang có xu hướng tích tụ và phân biệt các mô có mạch máu bất thường, chẳng hạn như mô sẹo, nhiễm trùng và khối u cột sống.
- Ở cột sống, MRI với thuốc cản quang được sử dụng rộng rãi để nghiên cứu các khối u cột sống. Kích thước và đặc tính của khối u được tiết lộ thông qua các lần quét cản quang này và giúp các bác sĩ điều trị khối u cột sống lên kế hoạch cho các bước điều trị tiếp theo.
Các chất cản quang dựa trên gadolinium (GBCA) mà FDA chấp thuận được sử dụng phổ biến nhất. Gadolinium là một kim loại đất hiếm. Ở trạng thái tự nhiên, kim loại này độc hại đối với con người. Gadolinium trải qua một loạt các quá trình tinh chế để làm cho nó an toàn khi sử dụng cho con người. Dung dịch GBCA được tiêm vào tĩnh mạch ở cánh tay của bệnh nhân và màu trắng bạc của nó phản ứng với các tế bào bất thường trong cơ thể, làm cho chúng rõ ràng hơn trên chụp MRI. Sau vài giờ, gadolinium được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.
Trong những trường hợp hiếm gặp, gadolinium có thể gây ra các biến chứng tim mạch, thận hoặc hô hấp nghiêm trọng.
Để giảm thiểu nguy cơ biến chứng thận, xét nghiệm máu có thể được chỉ định trước khi chụp MRI với thuốc cản quang ở một số người bị bệnh thận mãn tính hoặc có nguy cơ tiềm ẩn từ thuốc cản quang. Xét nghiệm máu giúp phân tích xem thận có thể chuyển hóa và lọc gadolinium nếu nó được tiêm vào cơ thể hay không.
Hệ thống thiết bị MRI tạo ra hình ảnh như thế nào?
Máy quét MRI chụp ảnh cột sống bằng cách sử dụng nam châm mạnh tác động tới các nguyên tử hydro bên trong tế bào của cơ thể trong khu vực được đánh giá:
- Sóng tần số vô tuyến được gửi đến cùng một bộ phận cơ thể để cố ý làm gián đoạn sự chuyển động của các nguyên tử hydro.
- Sau đó, xung tần số vô tuyến được tắt để các nguyên tử hydro chuyển động lại.
- Những thay đổi nguyên tử từ các sóng từ và tần số vô tuyến này được phát hiện bởi một bộ thu trong máy quét MRI, máy này xây dựng hình ảnh MRI bằng phần mềm đặc biệt trong máy quét.
- Các hình ảnh được quét được xem trên màn hình máy tính được kết nối với máy quét MRI.
Chụp MRI được đọc và giải thích bởi một bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh.
Các loại máy MRI
Thiết kế của máy MRI tiêu chuẩn là khoang kín, bệnh nhân được nằm trong một đường hầm hình trụ hẹp chứa nam châm của máy.
Đối với những bệnh nhân có nhu cầu cụ thể, chẳng hạn như những người có thể trạng cơ thể lớn hơn, những người cảm thấy sợ không gian hẹp hoặc có các tình trạng cột sống cụ thể, các loại máy sau có thể có lợi:
- Máy MRI khoang rộng: sử dụng đường hầm rộng hơn so với máy khoang kín tiêu chuẩn, nhưng vẫn xoay quanh xung quanh cơ thể.
- Máy MRI mở: cho phép có nhiều không gian và sự thoải mái hơn trong quá trình quét và không bao quanh bệnh nhân. MRI mở có thể được sử dụng nếu MRI tiêu chuẩn quá nhỏ hoặc không thoải mái.
- Máy MRI thẳng đứng: cho phép cột sống được quét trong khi ngồi thẳng (được gọi là quét MRI thẳng đứng). Quét MRI thẳng đứng thể hiện chính xác áp lực lên cột sống ở tư thế ngồi và tình trạng của các mô cột sống ở vị trí này.
- Máy MRI chịu trọng lượng: mô phỏng trọng lượng đặt lên cột sống ở tư thế đứng. Sự sửa đổi này cho phép hình ảnh được tạo ra cho thấy việc chịu trọng lượng ảnh hưởng đến cột sống như thế nào.
Loại MRI được sử dụng phụ thuộc vào nguyên nhân nghi ngờ gây đau hoặc nhu cầu của bệnh nhân. Ví dụ, các triệu chứng hẹp ống sống có xu hướng cảm thấy tồi tệ hơn khi đứng, và quét MRI thẳng đứng hoặc chịu trọng lượng có thể phù hợp hơn. Một bệnh nhân bị béo phì hoặc người cảm thấy sợ không gian hẹp có thể được hưởng lợi từ việc sử dụng máy MRI khoang rộng hoặc mở.
Các bước chuẩn bị cho chụp MRI
Trước khi chụp MRI, bệnh nhân thường được yêu cầu mặc áo choàng bệnh viện đồng thời phải tháo tất cả đồ trang sức và phụ kiện, vì kim loại sẽ bị ảnh hưởng bởi nam châm. Ngoài ra, kỹ thuật viên sẽ hỏi về bất kỳ thiết bị cấy ghép kim loại nào có thể làm phức tạp quá trình quét. Quá trình quét có thể mất từ 15 phút đến một giờ tùy thuộc vào khu vực cần đánh giá và số lượng chuỗi quét cần thiết.
Hướng dẫn từng bước cho chụp MRI
Chụp MRI được thực hiện trong phòng có lớp chắn bảo vệ khỏi từ trường mạnh tạo bởi nam châm trong máy quét. Phòng quét có khu vực điều khiển liền kề, nơi kỹ thuật viên MRI điều khiển máy.
Chụp MRI thường tuân theo một quy trình tiêu chuẩn.
- Bệnh nhân nằm ngửa trên một chiếc bàn nhỏ với hai tay đặt dọc theo hai bên. Bàn trượt vào máy quét cộng hưởng từ (MR) hình trụ, hở ở cả hai đầu.
- Nếu cần MRI có thuốc cản quang, thuốc cản quang được tiêm qua đường tĩnh mạch (IV) ở cánh tay trước khi quét.
- Trong quá trình thực hiện, quá trình trao đổi với kỹ thuật viên có thể được cung cấp thông qua một loa nhỏ. Khi máy quét hoạt động, tiếng click lớn được tạo ra. Kỹ thuật viên có thể cung cấp nút bịt tai hoặc tai nghe chống ồn để bảo vệ thính giác của bệnh nhân.
- Kỹ thuật viên bắt đầu quá trình quét.
- Bệnh nhân được yêu cầu nằm yên và thở bình thường trong khi các lần quét đang được tạo ra, vì bất kỳ chuyển động nào cũng có thể gây nhiễu hoặc giảm chất lượng hình ảnh được quét.
- Thủ thuật không gây đau và không cảm thấy gì khi cơ thể tiếp xúc với từ trường mạnh trong máy quét.
- Sau mỗi lần quét, bệnh nhân sẽ được thông báo và họ có thể thư giãn trong vài giây cho lần quét tiếp theo.
Trong quá trình chụp MRI, kỹ thuật viên sẽ nói chuyện và nghe bệnh nhân được mọi lúc. Thuốc chống lo âu hoặc thuốc an thần nhẹ có thể được khuyến nghị nếu lo sợ không gian hẹp. Bệnh nhân được tiêm thuốc cản quang nhóm gadolinium được khuyên nên uống vài cốc nước sau thủ thuật để giúp làm sạch thuốc cản quang khỏi cơ thể. Trừ khi sử dụng thuốc an thần, bệnh nhân có thể tiếp tục hoạt động bình thường sau khi quét mà không cần thêm biện pháp phòng ngừa nào.
Những hạn chế của MRI cột sống
Chụp MRI có độ nhạy cao và ghi lại sự thay đổi giải phẫu nhỏ nhất trong các mô của cơ thể. Tuy nhiên, quá trình quét không thể phân biệt giữa sự hao mòn tự nhiên không gây đau và sự thoái hóa gây đau ở cột sống. Chụp MRI cho thấy sự thoái hóa nghiêm trọng liên quan đến tuổi tác có thể được tìm thấy ở những bệnh nhân không bị đau, trong khi một số lần quét cho thấy sự thoái hóa nhẹ có thể gặp ở những bệnh nhân có triệu chứng đau đáng kể. Những kịch bản này chứng minh rằng những phát hiện của chụp MRI không phải lúc nào cũng tương quan với các triệu chứng—và rằng một lần quét tự nó không thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau. Vì lý do này, trong khi chẩn đoán đau lưng, MRI cần được giải thích trong bối cảnh khám thực thể, tiền sử bệnh và các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải.